Thói quen ngồi vắt chéo chân có tốt không?

Thói quen ngồi vắt chéo chân có thể khiến khung chậu, cột sống, khớp và nhiều cơ quan khác trong cơ thể bị tổn thương, ngồi vắt chéo chân là thói quen thường gặp trong cuộc sống, tưởng chừng như vô hại nhưng có thể gây ra những tổn thương nghiêm trọng cho hệ xương khớp.

Thoái hóa khớp

Khi ngồi vắt chéo chân, xương bánh chè sẽ cọ xát với các xương khác, gây đau vùng trước khớp gối. Khớp gối bị đè ép trong thời gian dài, làm tăng áp lực lên sụn khớp, căng giãn hệ thống dây chằng, dẫn đến nguy cơ thoái hóa khớp gối hoặc khớp cổ chân.

Tư thế ngồi này còn gây áp lực, chèn ép lên dây thần kinh mác ở phía sau đầu gối, dẫn đến tê bì bàn chân. Nó làm giảm đáng kể lưu lượng máu xuống các khớp ở chân, cản trở quá trình tạo dịch nhầy ở khớp, khiến khớp bị khô. Đối với những người đã bị đau khớp gối, tư thế ngồi này khiến cho các sụn đã thoái hóa bị đè và xoắn, làm bệnh nặng thêm.

Lệch khung xương

Ngồi vắt chéo chân thường xuyên có thể phá hủy sự đối xứng của hệ thống cơ xương khớp từ khung chậu đến đôi chân. Hậu quả là khung xương chậu bị lệch, kéo theo đó là hiện tượng chân ngắn chân dài và vẹo cột sống, lệch vai.

Để giữ tư thế ngồi vắt chéo chân, các dây chằng và các khớp ở vùng chậu hông thắt lưng phải căng ra, điều chỉnh cho phù hợp với trạng thái mới. Điều này dẫn đến sự mất cân bằng của hệ thống cơ xương khớp, gây đau âm ỉ vùng thắt lưng chậu và đau khớp gối.

Đau lưng và đau cổ

Ngồi vắt chéo chân còn là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến đau lưng, cổ và thoát vị đĩa đệm. Cơn đau xuất hiện do phần hông hơi xoắn lại khiến khung chậu mất thăng bằng, từ đó, gây áp lực lên cột sống. Tư thế ngồi này làm bạn không thể ngồi thẳng người, cột sống bị cong, vùng hông chịu lực không đều, trụ hông nghiêng sang một bên.

Do đó, để giữ cân bằng, cột sống phải duy trì một điểm cong nhất định và lệch sang phía đối diện, chịu nhiều áp lực hơn bình thường. Về lâu dài sẽ gây căng thẳng và biến dạng cột sống, vùng hông chịu lực không đều dẫn đến các cơ vùng cột sống, hông cũng sẽ phát triển không đều. Lúc này, bên chịu lực nhiều hơn sẽ to hơn, bên chịu lực kém sẽ nhỏ hơn, làm cho tư thế của người bệnh không còn thẳng như ban đầu.

Không chỉ ảnh hưởng đến xương khớp mà tư thế ngồi vắt chéo chân còn gây ra nhiều vấn đề khác như: gây tê dây thần kinh hông, lâu dài dẫn đến tổn thương dây thần kinh; làm cho quá trình tuần hoàn tĩnh mạch bị đình trệ, tăng nguy cơ mắc suy giãn tĩnh mạch; tăng nhiệt độ xung quanh bộ phận sinh dục, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của nam giới.

Tư thế ngồi tốt nhất cho hệ cơ xương khớp là hai chân song song, khớp gối và bàn chân vuông góc với nhau (lòng bàn chân đặt trên mặt sàn), lưng và cổ giữ thẳng. Tư thế này làm cho áp lực được phân bố đồng đều từ cổ xuống lưng, chậu hông. Nhờ đó, cơ thể sẽ được phát triển cân đối, dáng ngồi chuẩn.

Không nên ngồi liên tục trong thời gian dài, có thể gây mỏi, vô thức dẫn đến tư thế vắt chéo chân. Sau mỗi 45-60 phút ngồi làm việc, bạn nên đứng dậy đi lại. Nếu đã lệch vẹo khung chậu hoặc cột sống, người bệnh cần đến gặp bác sĩ để điều trị, hồi phục lại sự cân bằng khung xương và hệ cơ như ban đầu, loại bỏ triệu chứng đau cơ xương khớp.

Rate this post
phong kham da khoa quoc te binh duong
0933833115